NGƯỜI HOA KỲ, ÔNG LÀ AI?

NGƯỜI HOA KỲ, ÔNG LÀ AI?

Một nửa cái bánh mì thì vẫn là cái bánh mì,
Nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa.
Ngạn ngữ Nga


Ðào Viên

 

Mới đây không lâu, tôi nhận được từ một người bạn, trên mạng lưới Internet, một cái thư nói về phản ứng của một ông nha sĩ người Úc về một tin nói là có một người xứ Pakistan đã treo giải thưởng trên báo, cho bất cứ ai giết được một người Hoa Kỳ, bất kỳ người Hoa kỳ nào. Vị nha sĩ này, hẳn là rất bất bình, đã viết một bài mô tả cho mọi người biết - có lẽ chủ ý nhằm vào người Pakistan đã treo giải thưởng nói trên - thế nào là một người Hoa kỳ theo nhận định của ông ta, với những lời lẽ hết sức tốt đẹp. Và ông yêu cầu mọi người nhận được bài này hãy phổ biến cho toàn thế giới biết. Thư này đại để được lược dịch như sau:

“Người Hoa Kỳ là một người có thể thuộc nhiều chủng tộc trên thế giới (không phải chỉ thuộc giống Mỹ trắng Anglo-Saxon mà thôi). Người Hoa Kỳ có thể có tôn giáo là Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Phật giáo hay Hôì giáo (Muslim) nữa. Người Hoa Kỳ rất quảng đại, đã từng giúp đỡ rất nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Afghanistan khi quốc gia này bị Nga Xô xâm lấn 20 năm về trước…. Ông ta kết luận nếu bạn định giết một người Hoa Kỳ như Hitler, Tướng Tojo, Stalin hay Mao Trạch Ðông đã làm, thì tức là bạn đã tự giết bạn đấy, bởi vì người Hoa Kỳ chính là hiện thân của tinh thần tự do nhân bản của loài người. Ông nha sĩ còn đi xa thêm. Ông quả quyết ai có cái tinh thần tự do nhân bản đó thì người đó chính là người Hoa Kỳ”. Xin xem nguyên bản tiếng Anh trong cước chú (1).

Tôi không muốn thảo luận về những ý kiến trên của vị nha sĩ. Ðó chỉ là những nhận thức (perception), mà nhận thức thì phần lớn có tính cách cá nhân, chủ quan, thuộc phạm vi tình cảm, không nên hay không thể dùng lý trí để phân biệt đúng sai, tốt xấu. Vả chăng - tôi muốn nói thêm - tôi cũng rất có cảm tình với, nghỉa là cũng chia sẻ, ỏ một chừng mực nào đó, mấy nhận định của ông nha sĩ. Có lẽ tất cả chúng ta, những người Việt di cư, đều ít hay nhiều, đã thọ hưởng tấm lòng hào hiệp của chính phủ Hoa Kỳ khi họ chấp nhận cho chúng ta sinh sống tại đây, và đức tính quảng đại của các cá nhân và các hội đoàn Hoa Kỳ khi họ giúp chúng ta định cư.

Ðiều tôi muốn nêu lên đây là đời sống Chính Trị của con người - kể cả việc tìm một định nghĩa chính trị cho cụm từ Người Hoa Kỳ - là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi nhiều suy nghĩ kỹ lưỡng, nhiều tìm tòi nghiên cứu cẩn thận, chứ không đơn giản như việc thưởng thức một cái bánh mì. Nếu chỉ nhìn phiến diện, ta chỉ nắm bắt được những ảo ảnh.

Nhiều người, phải nói rất nhiều người, trên thế giới đã không nhìn thấy người Hoa Kỳ như ông nha sĩ người Úc đã thấy. Ỏ một khía cạnh nhỏ hẹp nào đó, họ có thể cũng thấy đức tính quảng đại, lòng yêu chuộng tự do của cá nhân ngưòi Hoa Kỳ, một số cá nhân người Hoa Kỳ. Nhưng khốn thay, khi nói tới người Hoa Kỳ, phần đông đã nghĩ tới, liên tưởng tới chính phủ Hoa Kỳ, tới những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, tới chính sách của Hoa Kỳ đối với các quốc gia khác, đối với chính quốc gia họ, với dân tộc họ, mà chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng, nhân danh các công dân Hoa Kỳ.

Hỡi ôi!, nếu tất cả mọi người trên thế giới đều nhìn người Hoa Kỳ như ông nha sĩ Úc đã thấy, như một miếng bánh mì thơm ngon đẹp đẽ mà ai cũng thích, cũng ngưỡng mộ, dù chỉ được chia cho một miếng nhỏ tí xíu, thì đã chẳng làm gì có biến động 9-11, chẳng làm gì có những căng thẳng trên thế giới. Thực tế chính trị như một tấm huy chương, có hai mặt: mặt phải rất đẹp đẽ ai cũng muốn phô ra, mặt trái ngược lại, xấu xí chỉ muốn dấu đi. Nhiều người trên thế giới đã nhìn thấy cái mặt trái đó.

Những người ở Châu Mỹ La Tinh (Nam và Trung Mỹ) đã thấy gì? Họ đã thấy trong những thập niên 70, để bênh vực cho quyền lợi của những tập đoàn tài phiệt (đặc biệt nhóm ITT) người Mỹ đã can thiệp vào nước Chile, giúp tiền bạc súng ống cho phe quân nhân đánh đổ chính phủ dân cử cùa Tổng Thống Salvador Allende (ông này đã bị loạn quân giết chết) để rồi lập nên một chính phủ quân phiệt tàn bạo của tướng Augusto Pinochet. Chính phủ của tướng Pinochet sau đó đã thủ tiêu hàng trăm ngàn người dân Chile. Họ đã thấy liên tiếp mấy chính phủ Hoa Kỳ đem quân vào mấy nước nhỏ nhít trong vùng (Granada, Haiti, Panama), bắt mang về Mỹ bỏ tù ông Tổng Thống một nước(2), để lập nên những chính phủ thân Mỹ trong vùng. Họ còn thấy chính phủ của Tổng Thống Regean, trong những thập niên 80 cung cấp tiền bạc súng ống cho nhóm phản loạn Contra, để phá hoại, khủng bố chính phủ Sandanista của Nicaragua, chẳng khác chi những lời tố cáo của Mỹ đối với mấy nước Ả Rập đã giúp đỡ quân khủng bố Palestine phá hoại Do Thái. Họ còn thấy người Hoa Kỳ, một mặt tuyên bố phải trừng phạt Cuba, vì đó là một nước Cộng Sàn, không tôn trọng Nhân Quyền, mặt khác lại rất thân thiện với Trung Hoa và Việt Nam, hai nước Cộng Sàn khác chẳng biết Nhân Quyền là cái gì.Tất cả những hành động ấy, người Châu Mỹ La Tinh, thấy không thể nào là hiện thân của tinh thần tự do nhân bản của loài người được. Thực ra, nhửng hành động ấy, dưới nhãn quan của Hoa Kỳ, thì rất hợp lý, bởi vì nó đã đạt mục tiêu là bênh vực cho các quyền lợi kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ tại các quốc gia đó.

Những người ở Phi Châu đã thấy gì? Ông Nelson Mandela, vị lãnh tụ khả kính và có tầm vóc lớn nhất của Phi Châu, khi sang Hoa Kỳ lần đầu tiên, sau khi được chế độ Kỳ Thị Mầu Da (apartheid) của người da trắng Nam Phi thả ra, đã bị người Hoa Kỳ chất vấn gắt gao tại sao ông lại có thể thân thiện với Yasser Arafat và nhóm khủng bố PLO (Palestinian Liberation Organization) của ông này được. Ông Mandela đã phải bực tức nhắc lại là khi ông lãnh đạo phong trào chống chế độ Kỳ Thị Mầu Da của người da trắng Nam Phi, thì ông Arafat và nhóm PLO đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích ông trên đường tranh đấu. Trong khi ấy, chính phủ Hoa Kỳ lại về phe với chính phủ Nam Phi đàn áp phong trào của ông. Làm sao ông có thể quên cái ơn ấy được? Ðối với người Phi Châu, hành động như vậy của người Hoa Kỳ không thể coi là hiện thân của tinh thần tự do nhân bản của loài người được. Thực ra, nhửng hành động ấy, dưới nhãn quan của Hoa Kỳ, thì rất hợp lý, bởi vì nó đã đạt mục tiêu là bênh vực cho các quyền lợi kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ tại Nam Phi

Những người Á Châu đã thấy gì? Họ đã thấy người Hoa kỳ đã dùng một số quốc gia trong vùng làm trái độn trong chiến lược ngăn chặn (containment) làn sóng Cộng Sản ở Á Châu, đặc biệt Trung Hoa Cộng Sản, chủ trương bởi hai anh em ông Foster (tổng trưởng Ngoại Giao) và Allen (tổng giám đốc Cơ Quan Tình Báo Trung Ương) Dulles. Nhưng khi Tổng Thống Nixon làm chuyến công du lịch sử sang Trung Hoa Lục Ðịa bắt tay Mao Trạch Ðông thì sách lược ấy trở thành vô bổ và số phận các quốc gia đó kể như đã được định đoạt. Họ còn thấy người Hoa Kỳ đã dùng các quốc gia ấy làm nơi thử nghiệm một số võ khí tối độc, tối hại, kể cả võ khí hóa học, mà sự tác hại vẫn còn kéo dài, sau cả phần tư thế kỷ, cho sức khỏe người dân và cho môi sinh các quốc gia ấy. Họ không thể thấy các hành động đó là hiện thân của tinh thần tự do nhân bản của loài người được. Thực ra, nhửng hành động ấy, dưới nhãn quan của Hoa Kỳ, thì rất hợp lý, bởi vì nó đã đạt mục tiêu là bênh vực cho các quyền lợi kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ tại nơi đó.

Những người trong thế giới Muslim dã thấy những gì? Họ nhìn cái huy chương của Hoa kỳ tưởng thưởng người Afghanistan được Hoa Kỳ giúp khí giới chống nạn xâm lăng của Nga Sô năm 1979, mà ông nha sĩ người Úc đã thấy rất đẹp, lật mặt trái lên thì họ thấy lời tuyên bố đầy tự hào của ông Zbigniew Brzezinski, nguyên cố vấn an ninh của Tổng Thống Carter. Ông nguyên cố vấn đã tiết lộ cho mọi người biết rằng chính ông là người đã giăng cái bẫy, mà ông gọi là “the Afghan trap(3)”, dụ cho Nga Sô đem quân vào Afghanistan để rồi dùng người địa phương đánh không còn manh giáp, mà không phải mất một giọt máu Hoa Kỳ nào(4). Người Muslim cũng còn thấy những xe tăng thiết giáp, trực thăng của Do Thái dùng trong nỗ lực lấn đất của người Palestine là do Hoa Kỳ cung cấp. Và trong khi tất cả thế giới kết án hành động lấn đất ấy của Do thái, qua những quyết nghị của Liên Hiệp Quốc, thì Hoa Kỳ là quốc gia độc nhất đã cùng với Do Thái bỏ phiếu chống các quyết nghị đó. Người Muslim cũng nhìn thấy người Hoa Kỳ đã dùng tiền (Ai Cập là nước, cùng với Do thái, nhận được tiền viện trợ của Mỹ nhiều nhất) để những vị lãnh đạo của họ phải há miệng mắc quai. Họ không thể thấy các hành động đó là hiện thân của tinh thần tự do nhân bản của loài người được. Thực ra, nhửng hành động ấy, dưới nhãn quan của Hoa Kỳ, thì rất hợp lý, bởi vì nó đã đạt mục tiêu là bênh vực cho các quyền lợi kinh tế, chính trị của Hoa Kỳ tại Trung Ðông. Những hành động ấy cũng dễ hiểu nếu ta biết rằng tổng số người Do Thái tại Hoa Kỳ còn nhiều hơn dân Do Thái ở xứ Israel.

Ðó là nhận định của những người không phải là công dân Hoa Kỳ. Còn chính những người Hoa Kỳ thì nghĩ sao? Nhiều người đã không có cái nhìn trừu mến ngây thơ của ông nha sĩ người Úc, mặc dầu tôi chắc rằng họ yêu tổ quốc họ phải hơn ông nha sĩ yêu nước Hoa Kỳ. Một trong những người ấy là ông Noam Chomsky, giáo sư nổi danh khoa Ngôn Ngữ học (Linguistics) của trường Ðại Học MIT (Massachusetts Institute of Technology) từ năm 1955, mà bất cứ người sinh viên nào học môn Artificiel Intelligence cũng biết đến những công trình nghiên cứu của ông ta.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 21 tháng 9 năm 2001 với David Barsamian của đài KGNU (Boulder, Colorado), ông Chomsky đã nhắc lại là Hoa Kỳ là nước độc nhất đã bị Tòa Án Quốc Tế kết án vì những hành đông khủng bố quốc tế trên thế giới, và Hoa kỳ cũng là nước độc nhất đã bác bỏ một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước hãy tuân theo Luập Pháp Quốc Tế(5). Ông cũng đã duyệt lại những hành động có tính cách khủng bố cũa Hoa Kỳ như vụ đặt bom phá hoại một đền Hồi giáo tại Beirut, năm 1985 (thời Reagan), định để giết một lãnh tụ Hồi giáo (80 người chết 250 người bị thương); vụ ném bom phá tan xưởng làm Dược Phẩm Al-Shifa của Sudan năm 1998 (thời Clinton, Sundan không còn thuốc men, khiến cả chục ngàn người chết (6) ); tổ chức, tài trợ chiến dịch khủng bố, phá hoại chính quyền Nicaragua của nhóm Contra những năm 1980; cung cấp khí giới và tài trợ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát dân thiểu số Kurds những năm 1990, vân vân. Ông kết luận Hoa Kỳ là “nước đứng hàng đầu reo rắc khủng bố” (a leading terrorist state).

Cái miếng bánh mì được để sang một bên, cái huy chương cũng được xem xét cả hai mặt. Dù muốn dù không, thích hay không thích, Hoa kỳ vẫn là bá chủ của cái thế giới đơn cực (sau sự tan rã của cái cực Nga Sô) của chúng ta ngày nay, một trách nhiệm rất nặng nề. Cũng như nhiều người chủ gia đình, chẳng phài là Bồ Tàt Từ Bi mà cũng chẳng phải là Sa Tăng Quỷ Dữ (evil, danh từ của T.T. Bush dành cho Bắc Hàn và hai nước Hồi Giáo), với những nghiệp ác, nghiệp thiện tích lũy sau bao đời tổng thống, Hoa kỳ, với sức mạnh vô địch, tài nguyên vô song, đang quyết tâm đóng vai trò định mệnh của mình, sẵn sàng ban phát ân sủng hay trừng phạt các quốc gia khác, tùy theo cái nhìn của Hoa Kỳ về quyền lợi của mình và quyền lợi của người.

Ngày xưa, nước ta có vua Trần Nhân Tông là người đã từng đứng đầu muôn dân, từng lập được những chiến công hiển hách (phá tan hùng binh Mông Cổ vô địch). Ngay khi còn là chúa tể muôn dân hay cả cho đến khi chỉ là một đầu đà lang thang, không nhà, không của, Ngài đã biết ngồi xuống mà “phản quan tự kỷ” – hay là nhìn vào chính mình, tự soi sáng lấy mình, tự vấn, tự xét - để thấy được cái lý lẽ tột cùng của đời sống con người, để thấy được rằng hạnh phúc của người khác cũng chính là hạnh phúc của mình và, ngược lại, hạnh phúc cũa mình phải là (phải tìm ở) hạnh phúc của người khác. Ðó chính là tác phong của một lãnh tụ chân chính, hiện thân của cái gì là giá trị nhân bản nhất của con người.

Trở lại bài viết trên, để kết luận, tôi nghĩ rằng hồn nhiên ngây thơ là một đặc tính tuyệt đẹp trời cho, đóng góp vào việc tô điểm cho tốt đẹp thêm rất nhiều những quan hệ giữa các cá nhân con người, mà trong đó những tình cảm nhân bản như lòng yêu thương tử tế, nết bao dung nhường nhịn, sự hy sinh nhẫn nhục, lòng từ bi bác ái phải làm căn bản để cho loài người có chiều hướng đi lên. Nhưng đem ngây thơ vào cái thế giới tàn nhẫn của Chính Trị, của tính toán hơn thiệt, của mưu toan thắng bại, mà trong đó Quyền Lợi của phe nhóm, của đảng phái, của đoàn thể, của quốc gia, của xã hội, của đồng minh, là mối quan tâm hàng đầu - như một chính trị gia nổi tiếng của thế kỷ, ông Henri Kissinger đã nói, “Giữa các quốc gia, chẳng có cái gì gọi là tình hữu nghị cả, mà chỉ có quyền lợi” - khiến cho chẳng còn bao nhiêu chỗ cho tình người, thì tôi e rằng cái đó sẽ trở thành một chuyện lố bịch tức cười.

Bởi vì từ cái Tuyệt đẹp Siêu phàm đến cái Lố bịch Tức cười không có bao xa, như ngày xưa đã có người thấy (7).


(1) Nguyên bản tiếng Anh -You probably missed it in the rush of news last week, but there was actually a report that someone in Pakistan had published in a newspaper an offer of a reward to anyone who killed an American, any American. So an Australian dentist wrote the following to let everyone know what an American is, so they would know when they found one.
An American is English, or French, or Italian, Irish, German, Spanish, Polish, Russian or Greek. An American may also be Canadian, Mexican, African, Indian, Chinese, Japanese, Australian, Iranian, Asian, or Arab, or Pakistani, or Afghan. An American may also be a Cherokee, Osage, Blackfoot, Navaho, Apache, or one of the many other tribes known as native Americans.
An American is Christian, or he could be Jewish, or Buddhist, or Muslim. In fact, there are more Muslims in America than in Afghanistan. The only difference is that in America they are free to worship as each of them chooses. An American is also free to believe in no religion. For that he will answer only to God, not to the government, or to armed thugs claiming to speak for the government and for God.
An American is from the most prosperous land in the history of the world. The root of that prosperity can be found in the Declaration of Independence, which recognizes the God given right of each man and woman to the pursuit of happiness. An American is generous.
Americans have helped out just about every other nation in the world in their time of need. When Afghanistan was overrun by the Soviet army 20 years ago, Americans came with arms and supplies to enable the people to win back their country. As of the morning of September 11, Americans had given more than any other nation to the poor in Afghanistan.
Americans welcome the best, the best products, the best books, the best music, the best food, the best athletes. But they also welcome the least. The national symbol of America, The Statue of Liberty, welcomes your tired and your poor, the wretched refuse of your teeming shores, the homeless, tempest tossed. These in fact are the people who built America. Some of them were working in the Twin Towers the morning of September 11, earning a better life for their families. I've been told that the World Trade Center victims were from at least 30 other countries, cultures, and first languages, including those that aided and abetted the terrorists.
So you can try to kill an American if you must. Hitler did. So did General Tojo, and Stalin, and Mao Tse-Tung, and every bloodthirsty tyrant in the history of the world. But, in doing so you would just be killing yourself. Because Americans are not a particular people from a particular place. They are the embodiment of the human spirit of freedom. Everyone who holds to that spirit, everywhere, is an American.

(2) Chuyện này làm người ta nhớ đến mối nhục quốc thể của Việt Nam, năm nào, khi Ðế Quốc Thực Dân Pháp bắt hai vua đang trị vì Thành Thái và Duy Tân, đem đi đầy ải tại một thuộc địa của Pháp. Mối nhục này phải gần 100 năm sau Việt Nam mới rửa được.

(3)Theo lời tiết lộ của ông Brzezinski thì chính phủ Hoa Kỳ đã bí mật giúp đỡ khí giới và khuyến khích nghĩa quân Mujahadin A Phú Hãn đánh phá chính phủ Trung ương thân Nga Sô, khiến cho chính phủ Trung Ương A Phú Hãn phải cầu cứu Nga Sô. Quân đội Nga kéo vào đã sa vào cái bẫy”Afghan trap” của Hoa Kỳ.

(4) Một số những người Afghanistan này, là nhóm Taliban, sau khi đuổi được Nga Sô, đã nắm ch1nh quyền, để sau đó lại bị Hoa Kỳ đánh tan nát và đuổi khỏi Afghanistani.

(5) “It is worth remembering – particularly since it has been so uniformly suppressed – that the US is the only country that was condemned for international terrorism by the World Court and that rejected a Security Council resolution calling on states to observe international law.” – 9-11 (2001), Noam Chomsky.

(6) Germany’s Ambassador to Sudan writes that: “It is difficult to assess how many people in this poor African country died as a consequence of the destruction of the Al-Shifa factory, but several ten of thousands seems a reasonable guess” (Werner Daum, “Universalism and the West”, Harvard International Review, Summer 2001).

(7) “Du sublime au ridicule, il n’y a qu’un pas” – Napoleon Bonaparte.


Ðào Viên
(Tháng Chạp, 2002)