MORIHEI UESHIBA VÀ SỰ SÁNG LẬP AIKIDO

Morihei Ueshiba, The Founder of Aikido

MORIHEI UESHIBA VÀ SỰ SÁNG LẬP AIKIDO


Ngô Quyền
( tiếp theo )

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN MÔN PHÁI
Như chúng ta đã biết, kỹ thuật Aikido tiếp thu từ những sở trường của các võ phái mà Tổ sư Morihei Ueshiba đã luyện tập và thành tài, từ những môn như:
- Nhu thuật : Kito, Gosei, Aioi, Hozoin
- Kiếm phái : Yagyu, Shinkaku
- Thương phái Yari
Và nhất là Daito Aikijitsu ( Hiệp-khí nhu thuật )

Năm 1922, Morihei mời sư phụ mà cũng là thừa kế của võ phái Daito là Sokaku Takeda đến Ayabe lưu lại đó 6 tháng. Sokaku đã chứng nhận Ông là võ sư của môn phái Daito và cho phép mở võ đường. Thế là trường Ueshiba Juku khai trương với sự giúp đỡ tích cực của Onisaburo Deguchi, sư trưởng của Thần giáo phái Omoto-kyo.

Về mặt tinh thần thì ngoài ảnh hưởng của Phật, Khổng và Lão giáo từ thuở thiếu thời, Ông còn chịu ảng hưởng rất sâu đậm giáo lý Omoto-kyo do Onisaburo Deguchi truyền dạy từ năm 1920. Chính từ khi phụ thân Ông qua đời năm 1919, biến cố này đã làm Ông suy nghĩ nhiều về cuộc sống và ý nghiã của nó và tạo cơ duyên cho Ông gặp được và cảm phục Deguchi. Ông đã dọn nhà đến Ayabe để tiện theo học Deguchi. Nhận thấy môn Hiệp-Khí Nhu-Thuật Daito quá thiên về chiến đấu nên không thể là một phương cách đưa con người về với vũ trụ được, cũng như không thể đem lại sự hòa hiệp giữa con người với nhau, Deguchi đã khuyên Ông nên tự tạo cho mình một hướng đi riêng, một võ đạo: dùng võ để làm phương tiện hành đạo và đạt đạo. Chính Morihei đã phải công nhận Sokaku là người đã mở mắt cho Ông thấy căn nguyên của võ thuật, nhưng sự giác ngộ của Ông là nhờ vào sự học hỏi nơi giáo phái Omoto-kyo và kinh nghiệm của mình với Deguchi, nhất là sự lãnh hội giáo lý biệt truyền Chinkon Kishin ( tạm dịch là “sự ổn định tinh thần và trở về với thần linh ). Ngay từ căn bản, đường lối của Sokaku và Morihei đã có những khác biệt lớn lao cả về mục đích cũng như cách ứng dụng. Vậy mà hàng năm, Sokaku vẫn đến thăm Morihei tới khi Sokaku chết (1943 ). Điều này chúng tỏ Sokaku là một võ sĩ đạo chân chính, rộng lượng và có một tình thương đặc biệt đối với Morihei. Còn Morihei thì vẫn luôn luôn tôn kính Sokaku và vẫn chi tiêu, trang trải mọi chi phí của sư phụ. Thời đó ở Nhật, đệ tử lấy làm hãnh diện được hầu hạ, tắm giặt và chi phí mọi khoản cho thày.

Võ đường Ueshiba Juku mới đầu chỉ dành dạy cho tín đồ của giáo phái Omoto-kyo, tuy nhiên khi danh tiếng của Morihei được truyền đi xa, nhiều người ngoài giáo phái cũng tìm đến để xin học, trong đó có Tomiki Kenji, một võ sư Nhu-đạo. Sau khi thành đạt, vị võ sư này đã lập ra hệ phái Aikido Tomiki.

Cuối năm 1925 và năm 1926, Morihei được đô-đốc Takeshita mời lên Tokyo để dạy cho mình và một số sĩ quan cao cấp cùng một số người trong hoàng tộc. Trong thời gian này Ông cũng dạy một lớp đặc biệt và ngắn ngày cho các sĩ quan cận vệ ở hoàng cung có đẳng cấp tối thiểu ngũ đẳng Nhu dạo hoặc Kiếm đạo.

Năm 1927, Morihei và gia đình dọn lên ở Tokyo và dạy võ dưới sự bảo trợ của hoàng tử Shimazu tại phòng đánh bi-da của ông được cải biến thành võ đường.

Năm 1928, Ông dọn tới một võ đường rộng hơn và năm sau (1929 ) lại dọn đến một võ đường lớn hơn nữa ở Kuru-machi. Vì số môn sinh gia tăng không ngừng, Ông đã phải mua cả một thửa đất rộng ở Ushigome để lập võ đường Kobukan, sau này trở thành tổng-đàn của Aikido.

Trong khi võ đường Kobukan dược xây dựng, Tổ sư Nhu đạo là Jigoro Kano có tới thăm Morihei ở sân tập tạm thời Meijiro. Sau khi tận mắt thấy những kỹ thuật Aiki, ông Kano đã phải thốt lên: “Đây đúng là võ đạo lý tưởng của ta, Chân Võ đạo!”. Sau đó ông đã gửi nhiều cao đồ ở Kodokan (Tổng đàn Nhu đạo) sang học, trong số đó có Mochizuki Minoru, sau này ra thành lập hệ phái Yoseikan (Dưỡng Sinh Quán).

Năm 1931, khi Kobukan hoạt động thì Shirata Rinjiro bắt đầu theo học, sau này ông là Giám-đốc Hiệp-hội Aikido Toàn Nhật-Bản.

Năm 1932 Hội Phát-Huy Võ-đạo được thành lập. Đây cũng là thời gian Shioda Gozo được nhận làm đệ tử và sau này ông phát triển Aikido Yoshinkan (Dưỡng Thần Quán).

Năm 1939, Koichi Tohei (lúc đó là đệ tứ đẳng huyền đai Nhu dạo) không tin những lời đồn đại về Morihei Ueshiba, đã tìm đến võ đường của Tổ sư để rồi bị một nữ đệ tử khuất phục một cách dễ dàng bằng những kỹ thuật Aiki thần diệu. Chính ông đã thú thật điều này trong một cuốn sách của ông. Ông bèn xin ở lại theo học. Sau này Koichi Tohei là một trong những đệ tử chân truyền của Tổ sư, đạt đươc đẳng cấp cao nhất (thập đẳng) và đã có công truyền bá Aikido vào Hoa-kỳ.

Thế chiến thứ hai đã rút đi gần hết môn sinh ở Kobukan. Năm 1942, sau khi được “soi sáng” (Ông gọi là “đón nhận thiên mệnh”), Morihei trao lại cho con trai là Kishomaru trông coi võ đường ở Tokyo rồi cùng vợ lui về Iwama lập đền Aiki (Aiki Jin-Ja) và sân tập Shuren. Ngày nào Ông cũng giậy thật sớm để cầu nguyện, thiền định rồi ra đồng làm ruộng và dành trọn buổi chiều để tập luyện.

Nước Nhật bị bại trận năm 1945, sau đó không một võ đường nào được phép hoạt động. Đến năm 1948 Aikido là môn phái đầu tiên được hoạt động lại và Hội Hiệp-Khí (AIKIKAI) được thành lập ngày 9-2-1948, thay thế cho Kobukan, phổ biến môn võ đã được Bộ Giáo-dục Nhật-Bản công nhận là có tính cách công ích (Zaidan hojin). Chính thời gian này, sau khi đã hoàn chỉnh triêt-lý và kỹ thuật của bổn môn, danh từ AIKIDO mới chính thức được sử dụng.

Sau khi Aikikai được thành lập, Morihei lại giao phó trách nhiệm điều hành và phổ biến cho con trai và các đai đệ tử, còn Ông lại trở về Iwama tiếp tục luyện tập và nghiên cứu, đúng như lời Ông đã căn dặn môn đồ: “Hãy cố gắng hết sức mình tiến xa trên con đường học tập. Giống như vũ trụ, Aikido không có giới han. Ta chỉ mới là học viên năm thứ nhất trong Aikido mà thôi. Ta hiện vẫn đang học tập. Ta sẽ tiếp tục học tập cho đến mãn đời. Khi ta chết đi, ta sẽ ký thác sự phát huy, phát triển Aikido cho những người theo sau ta.”

Ta nhận thấy rằng cái mà Ông gọi là “ngộ” ở sau vườn ngày đó mới chỉ là “sơ ngộ”, khiến cho Ông bừng tỉnh, cải tổ công phu sở học, tiếp tục “tu học” chứ không chỉ “luyện tập” để kiện toàn thành “CHÂN VÕ-ĐẠO”. Ông đã thực sự hoàn chỉnh Aikido đến hơi thở cuối cùng của đời mình.

ĐẠO thật rộng lớn và bao la biết mấy nên còn rất nhiều chỗ cho những thế hệ sau thừa kế, tiếp tục đi lên trên con đương trở về với ĐẠI NGÃ.

Ngày nay, Aikido được phổ biến rộng rãi khắp năm châu, tuy không phát triển ồ ạt nhưng thực sự đã tạo được niềm tin và sự kính trọng của đa số quần chúng.


Ngô Quyền
Houston, 9 tháng 8, năm 2003