Quan Ba` Tu+
QUÁN BÀ TƯ

Ðỗ Văn Giáp

Bà Tư đã vê`ê`ê`ê`....

Tiếng một anh chàng nào đó đứng ở ngoài bao lơn reo lên. Một số người chúng tôi chỉ đợi có thế là theo nhau ra hành lang bao quanh toà nhà đổ xuống cầu thang, rồi đi bọc vòng sang phía hông của toà nhà. Mọi người lần lượt kiếm chỗ ngồi trong một căn phòng nhỏ, chỉ chứa được khoảng chừng dưới 10 người. Căn phòng nhỏ đó là Quán Bà Tư.

Chúng tôi mệnh danh cho nó là cái quán chứ thật ra, nó không thể là một quán hàng, vì quán hàng thì phải có bảng hiệu, phải có môn bài v.v.... Ðây chỉ là một cái hành lang hẹp để đi vào trong kho chứa tài liệu ở cạnh bên. Cái hành lang đó đã được dùng làm nơi cho bà Tư bán đồ ăn sáng. Cái quán bán chính thức này nằm trong khuôn viên của một nơi có tên thời Pháp thuộc là CCR (Centre de Controle Regionale), sau này, khi chuyển qua quyền kiểm soát của thời đệ nhất Cộng Hoà Việt Nam, được đổi tên là Khu Ðặc Biệt.

Thời gian đó là khoảng chừng giữa thập niên 1950’. Chúng tôi, ở lứa tuổi từ 20 tới 25 đa số còn độc thân, một số du học tại Pháp, một số tại Ðài Loan về và một số khác đã được đào tạo tại Việt Nam, để nhận lãnh các dịch vụ thuộc ngành Hàng Không Dân Sự được chuyển giao từ những chuyên viên người Pháp, đang dần dần rút khỏi Việt Nam. Cũng vì đa số còn độc thân và làm phiên từ 7 giờ sáng nên chúng tôi thường tới sở với cái bụng trống rỗng. Khu CCR nằm sâu trong khu vực phía sau Nghĩa Trang Bắc Việt và giáp ranh với trại Tổng Tham Mưu. Do đó chung quanh không có hàng quán gì. Cũng vì vậy, cái quán nhỏ bé này đã là nơi giúp chúng tôi giải quyết cho cái bao tử khỏi làm reo trong nhiều buổi sáng.

Chúng tôi thường ngồi trò chuyện trong khi chờ đợi bà Tư sắp xếp đồ nghề để nấu nướng. Mỗi sáng không biết bà Tư dậy đi chợ từ hồi nào, nhưng thường thì vào khoảng 8 giờ sáng là bà khệ nệ mang hai cái rỏ đi chợ về. Bà nói là đi xuống tận chợ Bến thành để mua bánh mỳ, rau tươi và bà thường nói chỉ có ở đó mới có thịt bò loại filet mignon non. Nói là nấu nướng cho nó xôm trò chứ thường xuyên, bà Tư chỉ chuyên môn làm hai ba món chánh:

- Bánh mỳ thịt bò bít tết (beefsteak),
- Bánh mỳ trứng,
- Bánh mỳ trứng với giò hay chả.

Thêm vào những món ăn trên, đôi khi bà cũng mua ít bánh, kẹo để bán thêm cho những ai muốn ăn vặt.

Bà Tư thật hiền lành, tánh ít nói. Chúng tôi ngồi chờ những đĩa thịt bò bít tết nóng hổi, thơm lừng mùi tỏi chiên bơ, hoặc những đĩa trứng tráng có thêm khoanh giò trông thật hấp dẫn. Thêm vào đó là mẩu bánh mỳ mới, ròn, khi ăn, chấm vào nước thịt bò chiên thiệt là bất hủ. Bà nấu nướng thiệt nhanh và bán cũng lẹ, mỗi sáng bà chỉ bán khoảng chừng hơn 1 giờ là hết hàng. Nhiều lúc vì công việc, phải chia nhau lần lượt xuống ăn nên có khi tới lượt thì bà đã bán hết đồ ăn. Những lần như vậy đã làm cho một số chúng tôi phải ôm bụng đói lên làm việc lại. Có người vì đói quá phải lấy xe chạy sang bên phi trường kiếm đồ ăn.

Bà dọn dẹp xong, đóng cửa đi bộ trở về nhà, một căn phòng nhỏ trong một cái nhà lớn như là một biệt thự riêng nằm ngay trong vòng rào khu CCR. Căn nhà này đang là nơi trú ngụ cho một số nhân viên Hàng không. Không hiểu bà Tư bán hàng ăn từ hồi nào, nhưng chắc là từ thời còn nhân viên người Pháp làm việc nên mới có món thịt bò bít tết (beefsteak), và bà mới được ở nhà của nhân viên. Ðúng ra không phải vì bà bán hàng mà được ở nhà dành cho nhân viên. Căn phòng mà bà đang ở là căn phòng dành cho chồng bà, ông Tư, ông thư ký Nguyễn An Tư.

Thì ra bà có người chồng tên là Tư chứ không phải là người con thứ tư trong gia đình. Ðôi khi, trong khi ngồi chờ món ăn, có anh bạn hát lên lời ca vui dỡn: “Bà Tư bán hàng có bốn người con......” Bà không giận nhưng có lẽ bà buồn. Buồn vì lời ca vui mà tưởng như là nói giễu bà. Cũng chỉ vì ông bà Tư không có con, dù rằng thời gian đó ông bà cũng đã khoảng trên dưới 40 tuổi rồi.

Khi chuyển giao trách nhiệm khu CCR lại cho người Việt thì mt số người Việt đã được vào ở trong căn nhà này. Ông Tư là một trong số vài ba người được ở trong căn nhà đó.

Nói đến Quán Bà Tư, không thể không nói thêm về người chồng của bà, ông Nguyễn An Tư. Ông là thư ký phù động làm việc tại Phòng Truyền Tin trong khu CCR từ những ngày đầu tiên, khoảng giữa thập niên 1950’. Khoảng cuối những năm 1950’, ông mới được chuyển sang ngạch thư ký công nhật, tương đối bảo đảm hơn là nhân viên phù động. Cũng như bà Tư, tánh tình ông cũng hiền lành, cũng ít nói. Tuy nhiên cũng có đôi khi ông nổi nóng vì như người ta thường nói, những người hiền lành thường cọc tánh. Dầu sao những cơn nóng của ông Tư cũng chỉ nhẹ nhàng, phớt qua thôi. Trong những giờ bà Tư bán hàng, khi rảnh rỗi, văn phòng không có việc, đôi khi ông Tư cũng có ghé vào phụ bà Tư, lấy đồ ăn, thâu tiền, hoặc ghi sổ cho những ai không sẵn tiền lẻ, và những ai chuyên môn ăn ghi sổ.

Trong khoảng thời gian 16-17 năm làm việc tại CCR sau đổi là Khu Ðặc Biệt, tôi đã nghe nhiều về hai giai thoại liên quan đến ông Tư. Tôi còn làm việc chung một văn phòng với ông Tư chừng hơn 10 năm từ đầu thập niên 60’ tới đầu thập niên 70’ nên có thể nói tôi biết khá rõ về ông. Bởi vậy, những gì nghe nói về ông, tôi thường để tâm chú ý, quan sát.

Giai thoại thứ nhất là chuyện mấy con số năm-sáu, mười-mười hai (dịch từ tiếng Pháp: cinq-six, dix-douze là chữ người ta dùng thời đó). Tại sao lại có các con số lạ vậy, các con số này liên quan gì đến ông Tư. Một vài người trong cuộc cho biết các con số này được nói lên để diễn tả phân lời của những người cho vay lấy lời. Người ta nói cinq-six là để nói vay 5 thì trả thành 6, cũng như vay 10 thì phải trả thành 12. Như vậy tính thành lời bách phân là trả lời 20 phần trăm. Nếu cho vay phân lời 20 phần trăm một năm thì cũng chẳng có gì lạ, vì như ở bên Mỹ này, các ngân hàng tính tiền lời thẻ mua chịu cũng ở mức từ 18 tới 24 phần trăm một năm. Nhưng cái lời mà người ta thường đồn và muốn nói là mức lời này được tính mỗi tháng chứ không phải mức lời cho mỗi năm, thật khó mà tin được. Ðó là một điều thứ nhất mà tôi đã được nghe người ta nói về ông Tư.

Vấn đề cho vay lấy lời, tôi có nghe ông Tư nói là chuyện cho vay là đúng, tuy nhiên phân lời thì ông không công nhận con số cinq-six, dix-douze. Theo ông, vì thấy có nhiều người than là phải đi vay bên ngoài mức lời cao và nhiều khi còn phải có đồ cầm thế chân mới vay được, do đó ông cũng cho vay với tính cách giúp đỡ và kiếm chút đỉnh tiền lời chứ không bắt chẹt ai bao giờ. Ông còn than là có nhiều người than quá nghèo, đôi khi không trả nổi làn cho ông mất cả vốn lẫn lời. Chuyện mất cả vốn lẫn lời thì tôi không được biết nhưng chuyện những người không trả nổi đúng kỳ hạn thì quả là có nhiều. Và cũng chính vì phải đòi những món nợ qúa hạn nên tôi đã thấy được đôi khi ông Tư nổi nóng.

Giai thoại thứ nhì mà tôi thường nghe người ta bàn tán về ông Tư là ông ghiền thuốc phiện. Những lời đồn đãi này cũng làm cho tôi phải chú ý, theo dõi. Nếu như nói là ông hút thuốc phiện thì chắc chắn là tôi không thể nào thấy được vì theo tôi biết, hút thuốc phiện thì phải nằm bên bàn đèn, mà tôi và ông Tư ngồi ở văn phòng thì làm sao mà thấy ông hút được. Còn như nói về nuốt thuốc hoặc ngậm sái thuốc phiện thì tôi chưa từng bắt gặp trong những năm tháng gần ông. Phải thành tâm mà nói, nếu ông có ngậm hay nuốt thuốc phiện trong những lúc không có tôi ở gần thì tôi không được biết.

Tôi đã đi hơi xa cái quán hàng của bà Tư rồi. Xin được trở lại cái quán nhỏ bé, ấm cúng và thân yêu của chúng tôi. Cái quán điểm tâm tuy nhỏ, thời gian mở cửa mỗi ngày tuy ngắn ngủi nhưng ở đó cũng đã là nơi hò hẹn của nhiều cặp nhân viên và cũng đã có vài cặp đưa đến kết quả hôn nhân. Tuy nhiên, cũng như cuộc đời, có gì là trường cửu, là vĩnh viễn đâu. Quán bà Tư cũng vậy.

Khoảng đầu thập niên 60’, Khu Ðặc Biệt được di chuyển từ khu Nghĩa Trang Bắc Việt/trại Tổng Tham Mưu vào trong vòng rào khu vực Phi Trường Tân Sơn Nhất. Nơi đây có 4 dẫy nhà dài. Một dãy được dành làm Trung Tâm Tu Huấn Hàng Không, một dẫy ở giữa dùng làm văn phòng, một dãy chính gồm có Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu và Phòng Truyền Tin và một dãy nhỏ làm Phòng Bảo Trì các phương tiện viễn thông. Cái nhu cầu ăn uống của nhân viên cũng đã được lưu ý đến nên ở một đầu hồi của dãy nhà của Trung Tâm Tu Huấn Hàng Không đã được dành để làm quán ăn. Có điều khác biệt là bà Tư không còn bán hàng nữa. Lý do là từ khi dọn về trụ sở mới, cái quán đã được cho nhân viên đấu thầu khai thác. Không hiểu ông bà Tư có tham dự đấu thầu hay không mà chỉ biết một nhân viên khác đã trúng thầu. Từ ngày dọn về chỗ mới, quán đổi chủ, cái quán ăn không còn đông đảo như ở chỗ cũ, không biết có phải vì đổi bếp, nấu ăn không hợp khẩu vị hay vì la do nào khác. Chẳng bao lâu sau, quán lại đổi chủ, tôi không nhớ vào năm nào đó thì lại thấy bà Tư trở lại bán quán. Theo ông Tư thì bà Tư được mời trở lại bán hàng mà khỏi đấu thầu chi cả.

Từ ngày bà Tư trở lại quán hàng, tôi cũng không còn thấy được cái không khí đầm ấm, đông đảo của những ngày trước nữa. Bà vẫn bán những món điểm tâm năm xưa. Có khác chăng là bây giờ, để nối tiếp lề lối của người trúng thầu trước, nay bà đã theo thời thế, có bán thêm mấy chai bia nữa. Vậy mà hàng bà nhiều khi tôi cũng thấy vắng teo.

Ðúng rồi, không có gì tồn tại mãi trên cuộc đời này, thời gian, không gian đã thay đổi rồi. Thời gian ư, thì chúng tôi đã chẳng từ những người trẻ mới ra trường, còn độc thân, nay thì đa số đã bước gần tới tuổi tam thập chi lập, phần lớn đã lập gia đình rồi đó sao, buổi ăn sáng trong gia đình cũng đã làm giảm bớt đi số khách hàng của bà Tư. Không gian ư, đúng là càng nhỏ hẹp, càng ấm cúng, dọn lên chỗ mới rộng dãi thật nhưng cũng thành lạc lõng nữa. Ngoài ra, từ mỗi ngày chỉ mở của bán hàng có 1 tới 2 giờ, nay thành ra bàn trọn ngày, thời gian không còn hạn hẹp nữa, do đó cũng không còn cảnh chia nhau tới lượt đi ăn nữa. Thêm vào đó, dọn vào gần phi trường, một số đã tìm cách thay đổi, tìm lạ, sang quán bên phi trường ăn đổi món.

Thời gian đã đi qua quá nhanh, những gì năm cũ, nay chỉ còn là quá khứ. Ngày tháng đã trôi đi gần nửa thế kỷ rồi. Hôm nay, ngồi lại đây, ở khung trời xa lạ, tôi ôn lại những hình ảnh sống động trong một hành lang chật hẹp, với những tiếng nói cười vui nhộn trong một không gian đặc khói, quyện mùi thịt bò với hành tỏi chiên bơ. Ôi! Những kỷ niệm đã qua rồi và không thể nào có lại được nữa. Và còn ông bà Tư nữa, những người tuy chỉ là liên hệ khách hàng nhưng cũng đã là những kẻ đã lưu niệm lại trong giòng đời của chúng tôi. Riêng ông Tư và tôi, còn có tình đồng sự, ngồi chung một văn phòng khoảng trên dưới 10 năm.


Ðỗ Văn Giáp

Ðã trên 26 năm, tôi không có tin tức gì của ông bà Tư. Ðược biết ông Tư là chú ruột của hai anh Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn An Trường. Anh Trường đã quá vãng, còn anh Anh, nếu anh Anh có đọc được bài này và có được tin gì về ông bà Nguyễn An Tư, xin cho biết. Cám ơn rất nhiều.