Tuong niem Ong Cung
Tưởng niệm
Ông NGUYỄN MẠNH CUNG

(nhiều người viết)


Hình Ảnh Ông Nguyễn Mạnh Cung (Do anh Trần Văn Khương gửi)


Ông Nguyễn Mạnh Cung - 6/2001


Chụp khoảng 1960?


Một nén hương tưởng niệm ...
Lê Văn Ninh - Dallas, TX ngày 7 tháng 12 năm 2001.

Sau khi tốt nghiệp khóa I Kiểm Soát Viên Không Lưu tại Saigòn, tôi đươc Nha Hàng Không Dân Sự tuyển dụng và đặt dưới quyền xử dụng của ông Nguyễn Mạnh Cung, Chỉ Huy Trưởng Phi cảng Tân Sơn Nhứt.

Trong số 20 học viên của Khóa I Kiểm Soát Viên , tôi ra trường với thứ hạng thấp, ngoài thứ 10, vì điểm thực tập của tôi kém. Lý do là vì kiểm soát không lưu phải cần đôi mắt tinh tường, mà tôi cận qúa nặng, không nhìn thấy phi cơ ở qúa ngoài vòng đai phi trường (các bạn gọi tôi là "Ninh Mờ" mà!) .

Các bạn cùng khóa đậu trên tôi và được Nha tuyển dụng trước tôi mấy tháng, đều đã phải đi phục vụ tại các phi trường xa Saigòn. Các bạn được tuyển dụng sau tôi, cũng thế. Riêng tôi, ông Nguyễn Mạnh Cung giữ cho làm việc ở Ðài Kiểm Soát Tân Sơn Nhứt. Ðấy là một đặc ân ông Cung đã dành cho tôi. Làm việc trên Ðài Kiểm Soát không được lanh lẹ, ông xếp chỗ cho tôi làm việc dưới Bureau de Piste.

Tôi phải xin thưa ngay rằng, tôi không có họ hàng xa gần gì với ông Cung, cũng không quen biết gì trước với ông . Tôi nghĩ rằng ông Cung giữ tôi ở lại Tân Sơn Nhứt vì, thứ nhất, ông có lòng tốt đối với tôi, thứ nhì, có lẽ cũng nhờ cái tính chân thật của tôi mà ông đã nhận thấy trong khi dậy chúng tôi trong lớp kiểm soát không lưu chăng? Ngoài biệt danh "Ninh Mờ" là tôi, lớp Kiểm Soát Viên khóa I còn một biệt danh nữa, đó là "Colonel Xaico" đặt cho một nhân vật khác . Vì cận nặng, tôi luôn luôn ngồi bàn đầu nên không hay biết gì chuyện đằng sau lớp. Bỗng một hôm, nghe tiếng xì sào ở phía sau " ê, đừng nghển cổ chép bài của thằng Ninh mà bị xái cổ đấy", thế là từ đó, "Colonel Xaico" là biệt danh của anh chàng ta . Ngày đầu tiên làm việc ở Bureau de Piste khoảng mùa Thu năm 1962, tôi đã nhất định không cho 1 phi công người Pháp lái Cessna, bay VFR đến đồn điền cao su của ông ta, mà đòi hỏi ông ta phải bay IFR. Ông ta tức giận bỏ ra về và dọa mách ông Cung, vì bữa đó ông Cung đi vắng. Tôi cũng hơi hoảng, vì mới nhận việc, chưa nhớ hết luật lệ, tưởng đâu ông Cung sẽ la . Bữa sau về, ông Cung cho tôi biết là ông phi công đó có mách ông , nhưng ngược lại, ông Cung khen tôi làm việc đúng.

Trong suốt thời gian làm việc ở Bureau de Piste, có 1 việc tôi không bao giờ giám nói thật với ông, vì đôi lần, ông hỏi tôi về việc anh Nh.. có thường xuyên đánh bài với anh V. ở văn phòng Khí Tượng không ? Anh Nh.. là thư ký đánh télétype làm chung phiên với tôi, còn anh V. , Kỹ sư Khí tượng, lại là anh ruột thằng bạn học thân thiết của tôi thời Trung học , tôi đâu giám nói thật với ông. Ông hỏi, tôi nói tôi không biết. Có lẽ ông cố tình hỏi tôi chỉ với mục đích xác nhận tin ông đã biết, chứ thực ra, ông đâu cần tôi phải mách. Qủa thực vào ban đêm, khi anh Nh.. vắng mặt, tôi đã thay thế anh, đánh télétype dùm anh, nên công việc vẫn trôi chảy như thường. Sau đó, có chuyện anh V. hành hung ông Trưởng Ty Khí Tượng khi ông này nửa đêm đến la lối anh V. về chuyện cờ bạc trong công sở. Tuy vậy, anh V. vẫn làm việc ở Ty Khí Tượng như không có chuyện gì xẩy ra. Anh V. , sau này ở California cũng đã rời bỏ cuộc đời ra đi về cõi tịnh độ từ vài năm nay rồi.

Khóa I KSV đi làm chừng độ hơn 1 năm thì Nha tổ chức khóa tu nghiệp để rút kinh nghiệm tổ chức các khóa kế tiếp. May mắn, tôi được xếp hạng Nhất, nên ông Cung rất vui. Nhờ lòng tốt và sự nâng đỡ của ông Cung mà tôi được ở lại Saigòn, nhờ đó, tôi có cơ hội ghi tên học Luật. Cũng nhờ may mắn, thi kỳ nào đậu ngay kỳ đó, nên chỉ trong 3 năm, tôi xong Cử Nhân Luật.

Ðến gần cuối năm 1966, tôi được Nha biệt phái sang Không quân, Không đoàn 41- phi trường Ðà Nẵng. Lúc đó, tôi đã có bồ, không muốn xa Sagòn nữa. Tôi xin được làm ở Ty Không Tải trên Nha mà không được. Ra phục vụ tại Ðài Kiểm Soát Ðà Nẵng được ít tháng, thì tôi dự thi tuyển Tùy Viên Công Tố Viện do Bộ Tư Pháp tổ chức, và đồng thời dự thi Chuyên Viên Ngân Hàng do Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tổ chức.

May sao, tôi được tuyển chọn cả hai. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi đã chọn làm Chuyên viên Ngân Hàng Quốc Gia, và giã từ Nha Hàng Không Dân Sự kể từ cuối tháng 6 năm 1967. Làm Ngân Hàng Quốc Gia, tôi sẽ không phải đi tỉnh , vì trụ sở duy nhất của Ngân Hàng Quốc Gia là ở tại Saigòn và lương bổng là lương bổng của cơ quan tự trị .

Cũng nhờ sự tận tụy, tinh thần cầu tiến và nhờ được sự tín nhiệm và nâng đỡ của các cấp chỉ huy như ông Cung, chức nghiệp của tôi tại Ngân Hàng Quốc Gia cũng đã tiến triển mau lẹ, từ Chuyên viên giữa năm 1967, đến Chánh Thanh Tra (Giám Ðốc) năm 1974 . Trong thời gian đó, tôi cũng có dịp giúp một vài bạn đồng khóa Kiểm Soát Viên và các phi công thân quen tại Ðà Nẵng đi tu nghiệp Hoa Kỳ được chuyển ngân tối đa theo gía chính thức.

Những thành qủa đó của tôi, một phần không nhỏ là nhờ sự giúp đỡ của ông Cung.

Trong những năm đầu sau khi rời Nha Hàng Không Dân Sự, bất cứ khi nào các anh em Ðài Kiểm Soát Tân Sơn Nhứt tổ chức và mời tôi, tôi đều dành thì giờ tới dự, để tỏ bày lòng qúy mến của tôi với các anh em và lòng biết ơn đối với ông Cung, người đã nâng đỡ tôi trong những năm đầu bước vào cuộc đời.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với một số anh em Nha Hàng Không Dân Sự cũ và tháng 8 năm 1995, tôi đã được dịp tiếp đãi ông bà Cung tại Dallas, nhân dịp ông bà đến thăm 2 người em tại đây. Bữa đó, tôi đã mời thêm gia đình các người em của ông Cung, bạn Bùi Ðường Bạt cùng khóa Kiểm Soát Viên với tôi và vài người bạn khác nữa của tôi, nên không khí rất thân vui.


Bùi Ðường Bạt - Nguyễn Mạnh Cung - Lê Văn Ninh - Dallas, TX - 8/1995

Qua tháng 4 năm 1997, mấy bố con tôi sang Pháp thăm thằng con thứ nhì đang học ở Paris, ông Cung rủ chúng tôi đi ăn và hướng dẫn chúng tôi thăm La Versailles.


Lê Văn Ninh & Nguyễn Mạnh Cung - La Versailles, France - 4/1997

Ông Cung và tôi vẫn thường xuyên liên lạc qua tờ Nhịp Cầu Hàng Không. Cũng nhờ tờ Nhịp Cầu Hàng Không mà tôi biết thêm được tin tức của các cấp chỉ huy cũ và các anh chị em ở Nha Hàng Không Dân Sự.

Nay thì ông Cung đã buông tay, ra đi về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi xin thắp một nén hương lòng, tưởng nhớ đến người đàn anh kính mến và nguyện cầu cho hương linh của ông Nguyễn Mạnh Cung an tịnh nơi cõi Phật .


Lê Văn Ninh
Dallas, TX ngày 7 tháng 12 năm 2001.


Sau đây là một đoạn trong thư của anh Ðoàn Trần Nghị ở Pháp viết cho một đồng nghiệp ở Hoa Kỳ về anh Nguyễn Mạnh Cung vào những tuần lễ cuối cùng trước khi anh Cung qua đời :

Dec. 11, 2001

.................................................................................. ..................................................................................

Chị Cung rất cảm động và cám ơn anh em bên đó: coi như tượng trưng sự hiện diện của anh em HK bên Hoa Kỳ trong ngày tang lễ, đưa tiễn anh Cung về nơi vĩnh hằng.

Thật sự chính tôi cũng không ngờ anh Cung ra đi mau lẹ như vậy (anh D.T.Dụng cũng rất bàng hoàng, ngẩn ngơ, khi được tôi báo tin). Không có chân trong BBT (Ban Biên Tập) NCHK, nên không có thường làm việc chung như anh Lang; nhưng mấy năm gần đây, anh Cung hay thường gập tôi vì một vài công chuyện, cũng như vì gần nhà ...Do đó, từ khi anh vào nhà thương, thì tôi là một trong những người đầu tiên được anh điện thoại, rủ vào chơi. Vợ chồng tôi cũng coi (anh) như một người anh lớn trong gia đình ; nên khi anh được chuyển về Maison de convalescence gần nhà tụi tôi, thì anh cũng có ý nhờ tụi tôi tới renseigner dùm xem cơ sở này ra sao, ở đâu, tiện nghi...

Mấy tuần ở nơi đây, phòng ốc sáng sủa, rộng rải, sạch sẽ và rất tiện nghi. Anh còn nói: ở đây còn hơn ở nhà anh nữa!

Hàng tuần bà xã tôi có chuẩn bị đồ ăn để đem vào cùng ăn với anh cho vui! Lần chót đông đủ: có anh chị Lang, chị Phước AVN cũng đem đồ ăn vào (trước ngày mất độ hơn hai tuần). Năm người ăn lai rai từ trưa đến gần 14 giờ. Sau đó mọi người ra về, tôi còn đưa anh đi một vòng phơi nắng quanh Bord de Marne...đi mua báo, rồi mới trở lại nhà dưỡng sức. Bữa đó, tất cả có chụp chung với anh mấy tấm hình.

Tuần sau, đáng lẽ tôi hẹn, thì tôi có RV ở nhà thương, nên không vào thăm được! Cách hai ngày sau, điện thoại cho anh để mời anh nếm món cháo cá, như đã hẹn kỳ trước, (Anh có ý muốn về nhà tôi chới, luôn thể gập anh chị N.T. Ngải và anh Bích-Công Chánh). Lần này anh nói với giọng hơi yếu, cho biết bị mệt và sẽ phải trở lại nhà thương cũ để chuyền máu...! Thế rồi, sau đó ít ngày, anh N.T.Thiện cho biết, bịnh đã trở nặng và không hy vọng gì nữa!

Con người trước sau, ai cũng một lần phải đi qua con đường này, nhưng ở nơi xứ lạ quê người, chúng ta đã mất đi một người bạn quý, một đồng nghiệp rất thân thiết như người trong gia đình vậy!

Thân ái.

Trần Nghị


Hình ảnh do anh Quan Khang Tường gửi



Hình ảnh do anh Ðào Ngọc Khánh gửi



Hình ảnh do anh Ðỗ Văn Giáp gửi