Chi'nh Tri. Pha'p My~
Phiếm luận về

Ðời Sống Chính Trị của
Dân Pháp và Dân Mỹ


Ðào Viên

 

Tôi có một cô bạn rất chú tâm đến chính trị, một đặc điểm tương đối hiếm có trong giới nữ lưu. Cô ta rất chịu khó theo rõi các tin tức chính trị, nhất là những biến chuyển chính trị tại Việt nam, trên mạng lưới cũng như trên báo chí, truyền thanh truyền hình. Ấy là chưa kể đến những buổi hội thảo, đại hội của các đảng phái, các hội đoàn mà cô ta đã bỏ nhiều thì giờ đi tham dự, mặc dầu công việc sở cũng như công việc nhà chồng con rất đa đoan.

Sau một tháng đi thăm bà con bên Pháp về, và để làm vui lòng người bạn, tôi có nói chuyện sơ qua với cô ta về cuộc bầu cử Tổng Thống bên Pháp trong đó ứng cử viên cực hữu, ông Le Pen, bất ngờ đã lọt được vào vòng đầu, thắng ông Jospin, một Thủ Tướng Xã Hội rất có uy tín. Sau đó ông Le Pen đã gặp sự phản ứng dữ dội của dân Pháp để rồi bị thảm bại trước ông Chirac, một ứng cử viên đứng giữa, ôn hòa hơn. Sau đó, tôi đã đưa ra nhận xét: “xu hướng chính trị của dân Pháp, một cách nói chung, cấp tiến hơn dân Hoa Kỳ". Nhận xét này đã gợi lòng hiếu kỳ của người bạn tôi và khiến cô ta muốn biết thêm về sự khác biệt giữa đời sống chính trị của dân Pháp với dân Mỹ.

Ðã chót thì phải chét, tôi đã phải tìm cách đưa ra một lời giải thích không rắc rối cho một vấn đề khá rắc rối này, bởi vì muốn giải thích cho đầy đủ có lẽ phải đi sâu vào lịch sử và nền văn minh Pháp và Mỹ, điều mà tôi không đủ hiểu biết để làm. Ði tỉm một căn nguyên – hay là điểm khởi đầu - cho công cuộc phân tích này cũng không đơn gỉản, bởi vì người ta sẽ thấy có thể có rất nhiều nguyên nhân quan trọng như nhau. Mà những nguyên nhân này tương đồng, tương ứng, tương tức với nhau, vô thủy vô chung, trùng trùng duyên khởi, như nhà Phật vẫn nói.Tôi đành phải lấy một nguyên nhân, tương đối đơn giản, mà tôi thấy có một sự khác biệt rõ rệt giữa hai dân tộc vĩ đại này: Ðó là cái nhìn về các giá trị xã hội của hai dân tộc Pháp và Mỹ. Tôi xin nói ngay sự chọn lựa này là một chọn lựa có tính cách cá nhân, quyết đoán, không có căn bản khách quan hợp lý chắc chắn, cho nên những nhận định từ đấy suy ra có thể chủ quan, sai lầm.

Xã hội Pháp là một xã hội theo “chủ nghĩa tinh hoa ”, tôi tạm dịch từ cụm từ “elitisme”. Ðiều đó có nghĩa là người Pháp rất quý trọng những “tinh hoa”- những élites - của đất nước. Elites của họ là những người thế nào? Là những ngưòi có trình độ trí thức (intellect) cao, được tuyển lựa kỹ lưỡng qua những kỳ khảo hạch khắt khe, để rồi được tôi luyện trong những trường cao học có trình độ cao nhất nước. Tôi muốn nói đến những người tốt nghiệp từ các “Grandes Écoles” của Pháp, như École Normale Supérieure, École Polytechnique, École Centrale, Hautes Etudes Commerciales, École Des Ponts et Chaussées, Écoles des Mines, École Superieure d’Aéronautique, Ecole Nationale d’Administration, vân vân..Họ là những người được trọng đãi trong xã hội Pháp. Họ là những người được giao cho nắm giữ những chức vụ then chốt trong mọi lãnh vực của xã hội - kể cả lãnh vực chính trị - từ cơ quan công quyền đến những công ty tư nhân. Nhiều người cũng trở nên những nhà kinh doanh lớn, và ngược lại, phần lớn những Chủ Tịch Tổng Giám Ðốc (tiếng Pháp gọi là PDG hay Président Directeur Général, tương đương với Chairman CEO bên Hoa Kỳ) là xuất thân từ các “Grandes Écoles”.

Ở Mỹ, như chúng ta đã biết, xã hội quý trọng những người tự lực cánh sinh thành công trong các lãnh vực (self-made man), nhất là trong lãnh vực công kỹ nghệ, thương mại, kinh tế tài chánh, bất kể người ấy có một trình độ học vấn thế nào. Nói như vậy không có nghĩa là tại Hoa kỳ, người có học thức cao không dược trọng đãi. Ðiều đó chỉ có nghĩa là giá trị tương đối và ảnh hưởng của họ trong xã hội không bằng những người tự lập mà thành công kia thôi. Cấu trúc kinh tế của xã hội Hoa Kỳ tạo ra những điều kiện dễ dàng cho những người có tài kinh doanh thành công. Trong khi nền kinh tế và tổ chức xã hội Pháp đảm bảo những tinh hoa của đất nước đóng những vai trò lãnh đạo của quốc gia.

Người Pháp rất hãnh diện với cái gia tài văn hóa rất phong phú của họ. Cả ngàn năm lịch sử Pháp đã đào tạo ra những tư tưởng gia, triết gia, khoa học gia nổi tiếng, ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn minh thế giới, như J.J Rosseau, Voltaire, Montesquieu, Descartes, Louis de Broglie, Paul Dirac, Louis Pasteur, Curie, J. P. Sartre, Albert Camus…cho nên người Pháp tôn trọng những “khối óc lớn” hơn những nhà tài chánh, kỹ nghệ gia, tiền rừng bạc bể, cũng không lấy gì làm lạ.

Nhìn vào Hoa Kỳ, ta thấy xã hội Mỹ đã chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp, thuộc địa của Anh Quốc, với những đại địa chủ lãnh đạo như những vị Tỏng Thống Lập Quốc dành độc lập khỏi nước Anh, rồi, với một tài nguyên rất rồi rào, lăn mình vào cuộc cách mạng kinh tế cơ khí, công kỹ nghệ của thế kỷ thứ 17, 18 để trở thành một đại cường quốc, tất nhiên không có gia tài văn hóa lớn như người Pháp. Họ đã tìm cách bổ khuyết sự thiếu sót ấy bằng cách nhập cảng những “chất xám” ngoại quốc vào, và chỉ trong vòng chưa tới một thế kỷ, Hoa kỳ đã có một lớp trí thức lớn nhất cũng như là cao nhất thế giới. Tuy thế, ành hường của giai cấp trí thức này vào quốc gia đại sự không thể so sánh được với những thế lực kinh tế, tài chánh, và quân sự (the Establishment, Military Complex) trong nước được.

Với hai quá trình lịch sử khác nhau như vậy, tất nhiên hai dân tộc phải có những quan niệm về các giá trị nhân sinh và xã hội khác nhau. Ở Pháp, tư tưởng phóng khoáng của thời kỳ Phục Hưng, tiền Cách Mạng Pháp, đã kết tinh trong ba nguyên tắc căn bản, mà trải qua biết bao thăng trầm của nhiều cuộc cách mạng, nhiều cuộc nội chiến, người Pháp vẫn còn giữ và tin tưởng là Tự Do, Bình Ðẳng và Bác Ái (Liberté, Égalité et Fraternité). Trong 3 nguyên tắc chỉ đạo này, thì nguyên tắc thứ hai, Bình Ðẳng, là đáng chú ý nhất, vì nó đã nói lên sự khác biệt căn bản của nhân sinh quan Pháp đối với nhân sinh quan của người Hoa kỳ. Bình Ðẳng là một quan niệm rất tiến bộ, được dân chúng Pháp (leTiers Etat, hai phần ba kia là hoàng gia cùng giai cấp quý tộc, và giới tăng lữ) đòi hỏi trong cuộc Cách Mạng chống nền quân chủ phong kiến năm 1789, như là một nguyên tắc cơ bản lập quốc. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, khi những nhà đại điền chủ - với cà trăm nô lệ da đen – lãnh đạo quốc gia dành độc lập chống mẫu quốc và thống nhất quốc gia thành Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thì ý tưởng Bình Ðẳng xã hội không thể nào quan niệm được, huống chi là dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cho tổ chức quốc gia. Sau đó, cấu trúc của một xã hội tự do kinh doanh tư bản đã không dành bao nhiêu chỗ cho quan niệm Bình Ðẳng ấy.

Về phương diện tâm linh, nước Pháp - tuy đã được Toà Thánh Vatican gọi là “Trưởng nữ của nhà thờ Công Giáo” (la fille ainée de l’église catholique) - không tin tưởng vào “tín lý” (la foi) bằng “lý trí” (la raison). Ảnh hưởng của các tư tưởng gia Rousseau, Voltaire, Descartes đã đánh bạt ảnh hưởng của các Hồng Y Giáo Chủ Mazarin, Richelieu. Trong khi đó, người Hoa Kỳ, con cháu của những nông dân Anh mộ đạo chạy tỵ nạn đàn áp tôn giáo từ mẫu quốc, từ nhiều thế kỷ trước, hẳn còn giữ được nhiều niềm tin vào Thượng Ðế. Nếu “In God We Trust” là phương châm của người Hoa Kỳ, thì “esprit cartésien” là kim chỉ đạo của tư duy người Pháp. Có thể vì vậy mà, khác với người Mỹ, người Pháp thích đọc sách hơn là đi nhà thờ, và theo nhận xét của một người Mỹ sống tại Pháp, người Pháp trung bình đọc sách nhiều hơn người Mỹ trung bình. Trong khi ấy, người Mỹ trung bình tin tưởng ở những nhà lãnh đạo tinh thần của họ hơn người Pháp trung bình.

Một thanh niên Hoa Kỳ, sống tại Pháp nhiều năm, đã nói với tôi là khi còn ở Hoa Kỳ anh ta đã tự nghĩ mình là ngưòi rất tiến bộ, thiên tả, (anh ta lớn lên trong truyền thống “liberal”: học Harvard, Berkeley, sống nhiều năm tại Bay Area, tham gia nhiều tổ chức bất vụ lợi) rất thích Bill Clinton (Tổng Thống Dân Chủ), rất ghét Jesse Helms (Nghị sĩ Cộng Hòa). Nhưng khi sang đến Pháp mới thấy là mình chỉ có thể tạm liệt vào hạng trung trung, hơi thích Chirac (hơi thiên hữu, Tổng Thống Pháp), lại ngán Jospin (lãnh tụ Xã Hội, Thủ Tướng Pháp). Chủ nghĩa Xã Hội có thể là “tabou” trong sa lông chính trị tại Mỹ, nhưng lại là đề tài cửa miệng của dân chúng Pháp.

Ðiểm sau rốt, nhưng không phải là điểm không đáng chú ý, là tại Hoa Kỳ những thế lực chính trị có ảnh hưởng lớn lao vào, nếu không nói là chỉ đạo của, nền chính trị Hoa Kỳ là những tập đoàn tư bản kinh doanh (kinh tế, tài chánh, quân sự), những nhóm tôn giáo lớn (nói rõ hơn là Thiên Chúa Giáo). Những thế lực này chính cũng là những lực lượng lãnh đạo của nền kinh tế quốc gia và của đời sống tâm linh người dân Hoa Kỳ. Nếu không có được sự ủng hộ - do đó những đóng góp tài chánh - của những những tập đoàn này thì cơ may đắc cử Tổng Thống - cũng như đắc cử vào một chức vụ dân cử nào - của bất cứ ứng cử viên nào sẽ rất nhỏ nhoi. Ngay từ đầu, một ứng cử viên như thế đã sẽ không thể nào được một chính đảng nào (Dân Chủ hay Cộng Hòa) đưa ra. Sau đó, lá phiếu của người dân, ở một lục địa lớn lao như Hoa Kỳ, ít hay nhiều, được quyết định bởi những tuyên truyền và phản tuyên truyền trên các hệ thống truyền thông (media), mà sự hữu hiệu tùy thuộc rất nhiều vào số tiền vận động bỏ ra. Người dân Hoa Kỳ trung bình, nói chung, nhiều tình cảm, dễ súc động, dễ tin, dễ sẵng sàng bầu cho những cử tri mạnh mồm, mạnh miệng nhất.

Pháp là một nước nhỏ (hơn Hoa Kỳ), lại có một truyền thống Tự Do, Bình Ðẳng, Bác Ái lâu đời. Những cơ chế lớn lao, quan trọng cho quốc gia thường do chính phủ kiểm soát dưới hình thức công ty quốc doanh do tư nhân quản lý. Bởi vậy, có ít những tập đoàn quyền lợi tư nhân, độc lập lớn lao, muốn hoặc tìm cách ảnh hưởng vào chính sách quốc gia, để quyền lợi của mính được đảm bảo và/hay tốt đẹp hơn. Lực lượng chính trị (driving force) ở Pháp nằm trong giới trí thức tư sản trung lưu. Ðối đối với Nhà Thờ Công giáo thì người Pháp có thái độ “kính nhi viễn chi”. Không như ở Mỹ, nhà thờ và tập đoàn công giáo không có nhiều ảnh hưởng chính trị. Ngược lại, tập đoàn Thiên Chúa giáo ở Mỹ đã có thể gây ảnh hưởng rất lớn lao đến chiều hướng chính trị xứ này. từ sự duy trì án tử hình đến sự ngăn cản không cho thuốc ngừa thai RU-84 vào được thị trường Mỹ trong nhiều năm, mặc dầu thuốc này đã được dùng từ nhiều năm trước tại Âu Châu.

Vì con người ta, nhất là con người trí thức, mỗi người một ý, rất nhiều xu hướng chính trị nẩy nở, rất nhiều chánh đảng được thành lập. Cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp bao giờ cũng phải làm đi làm lại nhiều lần, vì khó có ứng cử viên nào được đa số phiếu ngay vòng đầu khi phải tranh cử với đông người. Ngoài ra, ra tranh cử Tổng Thống Pháp không tốn kém nhiều như ở Hoa Kỳ, vì nếu đạt được một tỷ số phiếu tối thiểu nào đó (tương đối thấp, 4% thì phải), thì sẽ được chính phủ tài trợ. Ứng cử viên không lo phải o bế “những ông nhà giầu” để có tiền vận động tranh cử, và để rồi phải trả món nợ chính trị ấy.

Những nhận định trên, tôi hy vọng, đã giải thích được tại sao, dân tộc Pháp có nhiều quan niệm nhân sinh xã hội phóng khoáng, rộng rãi, để có những thái độ chính trị cấp tiến hơn dân tộc Hoa Kỳ; tại sao không khí chính tri nước Pháp cởi mở hơn chính trị nước Mỹ; tại sao cái quang phổ (spectrum) chính trị Pháp lại dài rộng và có nhiều mầu sắc, từ cực tả (mầu đỏ) đến cực hữu (mầu tím ngắt) trong khi cái lăng kính (prism) chính trị Mỹ chỉ phân biệt được ra hai mầu: xám nhiều và xám ít.

Những khác biệt chính trị phải đưa đến những khác biệt về tổ chức kinh tế. Xu hướng cấp tiến của nền chính trị Pháp đã làm cho công nhân Pháp có nhiều sức mạnh (leverage) đối với chủ nhân hơn công nhân Mỹ. Nghiệp đoàn công nhân ở Pháp là một lực lượng chính trị rất đáng kể. Cũng một phần bởi thế, những tranh chấp, đối nghịch công nhân/chủ nhân hay xẩy ra hơn và xẩy ra trầm trọng hơn ở Hoa Kỳ. Ðiều này không giúp gì cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Nền kinh tế của Pháp thua xa nền kinh tế của Mỹ, một phần cũng vì yếu tố văn hóa chính trị này (yếu tố tài nguyên quốc gia là một yếu tố quan trọng khác). Những tốt đẹp về phương diện xã hội mà dân Pháp được hưởng dưới chế độ xã hội (chỉ làm 35 giờ một tuần, nhiều ngày nghỉ trong năm, không lo bị sa thải mất việc, quyền lợi an sinh xã hội, cao, tốt, có nhiều đảm bảo cho tương lai …) lại là những gánh nặng cho quốc gia. Không những thế, chính những điều tốt lành này lại làm cho sức sản xuất của công nhân Pháp - do đó, sự phát triển của nền kinh tế quốc gia – không khá lên được. Ngoài ra, cái tinh thần “elitism” của người Pháp, vô hình chung đã tạo ra một sự phân cách rõ rệt giữa “chủ” và “thợ”, giữa “quản lý” (management) và “thừa hành”. Ở xã hội Pháp, nếu không thuộc thành phần “tinh hoa” của đất nước thì rất khó có thể ngoi lên được giai cấp lãnh đạo. Do đó, người nhân viên thừa hành không thể, hay không muốn, tự đồng hóa mình với công ty, nghĩa là không thấy quyền lợi của mình cùng tần số với quyền lợi của chủ. Cái tinh thần phân biệt chủ tớ này ít thấy hơn tại Hoa Kỳ. Người thợ Hoa kỳ có tinh thần trách nhiệm cao hơn, sẵn sàng bỏ công sức ra làm việc cho công ty, vì họ thấy quyền lợi của họ, tương lai của họ, cũng là quyền lợi và tương lai của công ty. Nhiều người, nếu họ có tài, có thể nghĩ được rằng, một ngày nào đó, họ sẽ leo lên được nấc thang cao nhất công ty. Bởi vậy Hoa Kỳ có sức sản xuất kinh tế cao hơn. Nói cho ngay, cao thấp khác nhau chỉ có tính cách tương đối, bởi vì cả hai chế độ chính trị của hai cường quốc này đều đem lại cho người dân trong nước một mức sông kinh tế rất cao, so với các nước khác.

Trên đây là tóm tắt những nhận xét rất giới hạn, chủ quan, và do đó có thể có những sai lầm, về những khác biệt trong không khí chính trị ở Pháp và ở Hoa Kỳ, và ảnh hưởng của nó đến đời sống kinh tế trong nước. Tôi không muốn đưa ra những nhận định chủ quan để đánh giá, so sánh, khen chê chính sách này, chế độ nọ hay/dở, tốt/xấu, nên/không nên. Xin để quý bạn đọc tùy nghi thẩm định. Có một điều chắc chắn là, người Pháp cũng như người Mỹ, họ đều rất ưa thích chế độ của nước họ, với tất cả những ưu điểm và nhược điểm của nó. Họ đều rất hãnh diện là người Pháp hay người Mỹ, và họ không muốn “được” đổi quốc tịch mình lấy môt quốc tịch nào khác.

Sau hết, rất mong các bạn đọc bài phiếm luận này với chút ít tinh thần bao dung.


Ðào Viên
Tháng 6, 2002